Tôi hay theo dõi các thông tin của nghệ sỹ Lê Cát Trọng Lý và ngôi trường dễ thương của chị mang tên Carnation Art School House - Nhà Nghệ thuật Cẩm Chướng. Hôm nay, tôi tình cờ thấy form đăng ký khoá học Hoà hợp với thiên nhiên. Tôi đặc biệt chú ý tới phần giới thiệu khoá học Hoà hợp với tự nhiên. Những câu chữ đã chạm vào trái tim tôi, lôi ra nhiều cảm xúc rối bời. Sau đây, tôi xin trích toàn bộ nội dung ấy dưới đây. Hi vọng sẽ chạm được tới ai đó ngoài kia.
Sẽ có những lúc trong cuộc sống, bạn cảm thấy dường như mình đang “trật nhịp” với tất cả mọi thứ. Trật nhịp với một ông sếp hà khắc, trật nhịp với một câu nói đùa vô thưởng vô phạt, trật nhịp với đèn đỏ đèn xanh trên đường về nhà từ cơ quan, trật nhịp với câu chuyện thời thượng của con cái, trật nhịp với cái lạnh đến vội khi mình còn chưa ý thức mùa thu vừa đi qua, trật nhịp với cử chỉ ám chỉ cần một cái ôm từ người mình yêu, trật nhịp với cả chính hơi thở hay mong ước ấu thơ của mình. Và có vẻ trong nhiều lúc “trật nhịp”, mình ghét cái tự nhiên đáng chán này, vì mình muốn một cái tự nhiên tốt đẹp hơn. Trong cơn vội vã hấp hối muốn “hoà nhịp” trở lại, mình lại càng trở nên trật lất hơn bao giờ hết. Những lúc đó,
Chúng ta thường muốn đi đâu đó thật xa vài ngày,
Ngồi trước một mặt hồ phẳng lặng cùng người không phiền mình, hoặc là ngồi một mình.
Đi bộ vào trong rừng, hay là đi leo núi,
Phần lớn người thì,
Đi uống bia,
Đi hát karaoke,
Nhậu một bữa thật ngon với bạn bè, không cần chuyện trò sâu sắc gì cả,
Hay là đi mua sắm, đi spa cho thư giãn,
Một số ít thì,
Đọc sách,
Thiền,
Tự hỏi “nguyên nhân trật nhịp” đến từ đâu,
Đi khám bác sỹ,
Đi học..
À, đi học,
Người lớn rồi mà còn phải đi học ư? Có vẻ như nói ra điều đó sẽ xấu hổ với bạn bè hay người quen xung quanh vì chẳng lẽ mình còn ngốc, và làm điều vớ vẩn? Học để làm gì khi đã có công việc tốt rồi, có gia đình rồi, có nhà cửa rồi? Tại sao lại phải học nữa? Có vẻ như, chừng nào còn trật nhịp nhiều, chừng đó còn nhiều niềm vui để khám phá, để học, và cũng để chia sẻ “những loại trật nhịp khác nhau” từ mỗi người.
Đi học để đối diện với cái “Trật nhịp” của mình, để cùng nhau tìm hiểu, khám phá nguyên nhân của những lần “trật nhịp”, để gợi lại, nhớ lại, làm sâu đậm thêm cảm giác “hoà nhịp” trở lại với chính mình, với tự nhiên xung quanh. Và nếu đủ sự nhận ra, hy vọng chúng ta có thể cùng bước trên con đường trở lại “hoà nhịp” với chính mình, hoà hợp với tự nhiên, với môi trường sống xung quanh. Điều đó thật đáng để chúng ta bỏ công sức đầu tư đào sâu nội tâm của chính mình. Để hạnh phúc hơn, thanh thản hơn.