Featured image of post The Road To VPF 2022

The Road To VPF 2022

Bài viết tâm sự ngắn sau khi tôi thi giải Powerlifting VPF 2022

Giải đấu Powerlifting 2022 do Liên đoàn Powerlifting Việt Nam - VPF, trực thuộc Liên đoàn Powerlifting thế giới - IPF, tổ chức đã trôi qua được mấy ngày nhưng giờ tôi mới có thời gian ngồi xuống và viết vài dòng tâm sự sau giải.

Đây là một giải đấu quy mô quốc gia, quy tụ rất nhiều những Powerlifters và những influencers nổi tiếng trong ngành fitness nói chung và Powerlifting nói riêng tới tham dự. Thật là một vinh dự cho tôi khi được tham gia giải này.

Đây là link thành tích thi của các VĐV năm nay: https://liftingcast.com/meets/mlpjnhpx2t7p/results

Bạn có thể xem thêm thành tích của các VĐV Việt Nam cũng như các VĐV quốc tế ở các giải Powerlifting khác trên toàn thế giới ở link này: https://www.openpowerlifting.org/rankings/all-vietnam

  • Giải thích cho các bạn chưa biết về Powerlifting. Powerlifting là một môn thể thao sức mạnh, thi đấu ba động tác là Squats, Bench Press và Deadlifts bằng cách thực hiện mỗi động tác ba lần. Kết quả thi của thí sinh được tính dựa trên tổng trọng lượng nâng tối đa của ba bài.

Lời cảm ơn

Bạn “cũ”

Cảm ơn sự cổ vũ của những người bạn “cũ”. Cảm ơn Khánh vì đã làm bánh quy “ngon mê li” và bánh chuối cho tớ. 🥺 Không có bánh của bạn chắc tớ chết đói vì thi liên tục 6 tiếng mất.

Cảm ơn người anh Tâm Đỗ đã quay hình rất có tâm nên đứa em về nhà có cái đăng story cho dân tình biết mình đi thi giật “giải rút” như thế nào.

Cảm ơn tên nhóc đồng nghiệp Trung Nguyên và siêu nhân top 4 U93 Frank Hà đã tới cổ vũ. 😌

Người “lạ”

Cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của những người bạn “mới” trong ngày thi đấu, bao gồm Bla đã chỉ cho chị quy tắc hôm thi đấu, chị Kim Vy đã giúp em kiếm chỗ hôm đo pin vì các bạn nam chen nhau dữ dội quá, rồi còn support em 2 attempts cuối cùng bài Deadlifts, Lão Hạc và những nhiều người khác mà tôi không tag được tên do không kịp xin contact.

Cảm ơn BTC và đặc biệt là đội đỡ tạ đã làm việc liên tục suốt từ sáng tới tối trong 2 ngày để bảo đảm an toàn cho thí sinh. Sự chuyên nghiệp và tận tuỵ của các anh/bạn đáng được ghi nhận.

Top 2

Cảm ơn coach, người dắt em tới bộ môn Powerlifting một cách chính thức, đã rủ em đi thi (nhưng lý do thực sự dẫn tới việc đăng ký thi “ngay lập tức” là do tên “Thầy Giáo Ma” 👻 nói em yếu đuối, đi thi cho vui thôi chứ cạnh tranh sao nổi nên em đi thi để chứng minh hắn sai 🤪). Không có coach để than nên tập trung một mình ngồi chiêm nghiệm cái giải đấu đầu tiên trong đời.

Thank my coach for bringing me to the Powerlifting game. But the reason behind it was the guy I called “The Ghost Teacher” 👻 told me that if I join the game, I’ll never be on top because I’m too weak. I was annoyed so I enrolled to prove him wrong. (Well, I did it 💪)

Cảm ơn bản thân đã luôn là “cô bé chăm chỉ” để tới lúc đi thi “có một mình” vì coach đang “đi dạo” ở lãnh thổ khác, nhìn thí sinh nhà người ta lo âu trông hài hước quá nên mình vô lo luôn. 🤣 Tôi nghĩ rằng đôi lúc, trong thể thao, dựa vào số liệu, chúng ta có thể dự đoán kết quả dựa vào sự nỗ lực trong một thời gian dài. Sau giải, dành effort đi học lại xác suất thông kê nghe cũng hợp lý nhỉ? 🤔

Tôi đã đến với bộ môn Powerlifting như thế nào?

Khởi đầu may mắn

Hành trình đến với Powerlifting của tôi không hẳn là một sự ngẫu nhiên. Tôi lớn lên trong một thế giới toàn sách vở (con “mọt sách” mê toán, nghiện màu hồng) và một đám bạn toàn nam thích chơi thể thao đủ môn (đá bóng, đá cầu, chạy bộ, bóng chuyền, cầu lông, …). Có thể nói tập luyện thể thao đã ăn vào máu tôi từ rất lâu rồi.

Năm 2020, tôi bắt đầu thử nâng tạ vì khu nâng tạ ở phòng tập chỗ tôi luôn vắng. Phụ nữ, người già và người “trẻ” nhưng “có dấu hiệu đang lão hoá não” thường thích những thứ dễ dãi và “có vẻ” đem lại hiệu quả “cao” như máy tập và biệt đội PT “tri thức”. Bên cạnh đó, tôi thấy chán với sự “nhẹ nhàng” của bộ môn Yoga, không hề muốn quay lại sự “mạnh mẽ” của Karate và không thích phụ thuộc vào các môn ngoài trời trời như chạy bộ hay môn cần chơi nhóm như cầu lông. Đi một mình thì luôn tiện cho những đứa bận rộn, thích sự tự chủ như tôi.

Trong vài tháng đầu, như bao thanh niên khác khi bắt đầu tập tạ, Youtube là người bạn thân thiết của tôi. Tôi xem videos hướng dẫn tập của Jeff Nippard, Stephanie Buttermore, Jeremy Ethier, Street Workout làng hoa, Văn Tới Calisthenics-Style và rất nhiều người nổi tiếng khác. Nâng tạ thật thú vị. Tôi thiền trong lúc nâng tạ. Vâng, tôi không đùa đâu. Sự tập trung và cảm nhận từng bó cơ riêng biệt hoạt động thay vì lạc vô đủ các suy nghĩ trên trời dưới biển chính là thực hành thiền. Tôi đánh giá cao triết lý thực hành thiền trong cuốn Thiền tập cho người bận rộn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Thở vào, tôi biết là tôi đang thở vào.

Thở ra, tôi biết là tôi đang thở ra.

Nguồn: https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/gieo-trong-hanh-phuc/hoi-tho-y-thuc/

Khi tôi thực hiện động tác Squats, tôi biết cơ mông, cơ đùi mình đang hoạt động như nào, bên nào lực nhiều hơn, mỏi hơn, gối mở sai thì có cảm giác như nào, đâu là điểm rơi chuẩn của mông khi xuống, … Cố gắng cân bằng lực, cảm nhận cơ thể chính là thiền.

Ở thời điểm này, tôi tập những động tác khiến tôi thấy vui. Buổi tập của tôi thuờng kéo dài 60 - 90 phút tuỳ hứng mà không theo bất kỳ một quy tắc nào.

Tập luyện có định hướng

Dần dần, tôi cũng tăng được 1 chút tạ và bắt đầu có chút thời gian rảnh đọc sách về Program. Lý do đơn giản là dân tình nói tới Program nhiều quá, tới mức tôi phải đặc biệt chú ý tới nó. Tôi nhớ là mình đã đọc hơn chục cuốn sách. Hai cuốn sách tôi yêu thích nhất là Starting Strength của RIP (Mark Rippetoe) - sách giáo khoa vỡ lòng Powerlifting và Strong Curves của Bret Contreras. Nếu bạn cũng thích đọc, tôi có viết một bài review về những đầu sách tôi từng đọc ở đây. Hi vọng chúng sẽ giúp ích cho bạn.

Qua giai đoạn ngâm cứu sách vở, tôi tới giai đoạn thực hành, đây là quãng thời gian tôi thử và sai. RIP là người thầy Powerlifting đầu tiên của tôi. Tôi thích Deadlifts và Squats nhưng không tập Bench Press vì sợ ngực lép. Về sau, khi tập tành tử tế với coach, tôi mới biết là ngực còn không phải là nhóm cơ chính trong chuyển động của Bench Press. Trải qua vài cái program từ StrongLifts 5×5 , Starting Strength của RIP, cho tới Strong Curves của Bret Contreras thì tôi cũng xây dựng cho mình một nền tảng thể lực cơ bản và nhìn thấy cơ thể mình thay đổi rõ rệt.

Giai đoạn 2021 - đầu 2022, sau hơn một năm tập hết các Program trong sách của Bret Contreras, tôi bắt đầu có ít thời gian rảnh hơn và muốn tìm coach để giúp tôi tập trung vào giá trị cốt lõi của mình - lập trình. May mắn thay, trong khoảng thời gian này, tôi tìm được một coach thích tìm hiểu, chăm đọc nghiên cứu khoa học chứ không chỉ “khoe thân” và viết bài không đưa nghiên cứu hay dẫn nguồn như nhiều coach tôi thấy trên mạng. Bốn tháng sau, tôi đi thi giải Powerlifting đầu tiên trong đời và đứng top 5/7 ở hạng cân 57. Một thành tích vượt mong đợi vì ở nhà ai cũng nghĩ tôi sẽ về bét.

Mindset

Đối với một người mới tiếp xúc bộ môn Powerlifting hay thể thao nói chung, tôi nghĩ điều quan trọng nhất không phải là gen di truyền, coach, giáo trình hay dụng cụ tập mà là mindset (cách tư duy của bạn). Này, tôi không phủ nhận vai trò của những thứ kia, ý tôi là bạn cần xây dựng cho mình mindset trước. Mindset tốt sẽ giúp bạn tự do quyết định, nâng cao khả năng tự nghiên cứu, tránh bị lạc vào mê cung và tránh bị lừa gạt trong một ngành chưa được chuẩn hoá bằng bằng cấp như ở Việt Nam. Chúng ta chưa có nhiều Powerlifters có bằng PhD (Doctor of Philosophy - bằng cấp học thuật cao nhất trong một lĩnh vực), làm nghiên cứu hay có những phòng thí nghiệm đủ lớn như ở các nước khác.

Hãy trở nên thật linh động. Bạn không cần phải chờ tới khi có đủ dụng cụ (một chiếc đai, bó gối, băng cuốn cổ tay, singlet, tất, mũ, …) đạt chuẩn thi đấu của các hãng như SBD hay Inzer để bắt đầu luyện tập (trừ khi bạn dư dả tài chính). Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu tập với đồ ngủ, chân đất và dụng cụ tập bình thường ở các phòng gym bụi. Đó là cách tôi bắt đầu tập ở nhà với rack, bar và vài bánh tạ. Đừng phí tiền vào những thứ xa xỉ và đừng nghĩ rằng đeo nó lên sẽ khiến bạn tăng tạ tức thì. Sự đơn giản luôn mang trong mình sức mạnh.

“Thầy” là người dẫn dắt bạn đi những bước đầu tiên. Tôi dùng từ “thầy” vì tôi nghĩ rằng “thầy” có thể là bất kỳ thứ gì khiến bạn tốt lên mỗi ngày. Đó có thể là coach của bạn, những cuốn sách bạn đọc, khoá học bạn tham gia. Hãy cẩn trọng và tỉnh táo khi chọn “thầy” cho mình. Hãy nhìn vào số liệu. Những con số hiếm khi nói dối. Bên cạnh đó, đừng để mức tạ và sự hào nhoáng đánh lừa bạn.

Chúc bạn may mắn trên hành trình tập luyện!

Review về giải Powerlifting VPF 2022

Luật thi đấu

VPF 2022 có lẽ là giải đấu được Powerlifters cả nước mong đợi từ lâu vì chúng ta đã trải qua 2 năm Covid gần như không có giải đấu nào. Tôi gần như không tìm hiểu về cộng đồng Powerlifting trong nước cho tới khi coach rủ tôi đi thi. Lý do là tôi không có nhu cầu thi.

Ấn tượng đầu tiên khi đọc về giải là tìm mãi không thấy luật ở đâu. Tôi phải inbox trực tiếp fan page của VPF để hỏi về luật thi đấu. Họ xác nhận với tôi rằng luật của VPF tuân theo Technical Rules Book của IPF.

BTC xác nhận VPF tuân theo luật của IPF

4 tuần trước ngày thi, 3 tháng sau khi mở đơn đăng ký (26/10/2022), BTC mới công bố luật thi đấu của VPF 2022 (bằng tiếng việt). Tất cả các giải thi đấu thể thao tôi biết đều công bố luật trước lúc mở đơn đăng ký cho thí sinh. Đều này đảm bảo là các thí sinh từ lúc chuẩn bị đi thi cho tới lúc bắt đầu thi đã biết rõ về luật và tránh những lỗi sai không đáng có. Sự sơ xuất do vô tình hay cố ý đăng luật thi đấu muộn này của BTC dẫn tới câu chuyện hài hước là có thí sinh nam tới lúc lên sàn kéo Deadlifts còn không biết luật thi quy định rằng phải đi tất cao tới gần đầu gối nên đi một cái tất cổ ngắn.

Quy định về tất trong bộ luật của VPF 2022

Quy định về tất trong bộ luật của IPF 2022

Hay trong lúc chờ warm-ups, tôi thấy một thí sinh nữ còn đi xỏ gối theo cách không đúng quy định nhưng không hề bị cảnh báo (dùng dây để hỗ trợ kéo bó gối lên trên đùi).

Đây là cách đeo bó gối vi phạm luật IPF 2022 mà thí sinh nữ trong giải VPF 2022 thực hiện.

Đây là cách đeo bó gối vi phạm luật IPF 2022 mà thí sinh nữ trong giải VPF 2022 thực hiện.

Một câu chuyện khác nữa là lúc vào cân trước giờ thi, bạn gái cân thí sinh nữ chỉ bảo một câu rằng “Cân trước giờ thi đấu thì MẶC ĐỒ hay CỞI ĐỒ cũng được ạ”. Điều này hiển nhiên vi phạm luật của IPF “Thí sinh chỉ được mặc đồ lót hoặc không mặc gì lúc lên cân”.

Câu chuyện Doping

Liên đoàn Powerlifting Việt Nam - VPF trực thuộc Liên đoàn Powerlifting thế giới - IPF. Theo quy định của IPF, tất cả các liên đoàn con phải tuân thủ luật thi đấu của IPF, tức là giải đấu BẮT BUỘC có kiểm tra doping. Từ bé tới giờ, tôi chưa bao giờ đi thi giải nào cỡ quốc gia nên rất hào hứng xem quá trình kiểm tra doping diễn ra thực tế ở một giải đấu như nào. Thực tế là giải VPF năm nay không hề có kiểm tra doping.

https://www.powerlifting-oceania.com/anti-doping/ipf-anti-doping-rules

Nguồn: https://www.powerlifting-oceania.com/anti-doping/ipf-anti-doping-rules

Khi về nhà, tôi đã tìm hiểu và hỏi những người bạn làm trong ngành thế thao về quy trình kiểm tra doping trong thể thao. Bạn tôi gửi cho tôi bài viết bằng Tiếng việt của anh Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Founder của AT Sports Therapy. Bài viết nêu rõ ràng quy trình kiểm tra doping ở một giải đấu thể thao có quy định kiểm tra doping.

Bài viết gốc: https://www.facebook.com/at.anhtuan/posts/pfbid0m5mmDUiDrbKb7YJHGSDnEx6F6YEC6akk5iZHcLvcsDtz4uJAhDkZvxERTqQCaVQSl

Tôi sẽ tóm tắt lại ý chính của bài viết như sau. Liên đoàn sẽ bốc thăm ra một hoặc vài cá nhân để kiểm tra doping bằng việc lấy mẫu nước tiểu (hoặc mẫu máu tuỳ vào quy định). Vận động viên sẽ đi tiểu trước/lấy máu dưới sự chứng kiến TẬN MẮT của cán bộ kiểm tra doping. Mẫu nước tiểu sau đó được đóng niêm phong và mang tới phòng thí nghiệm đạt chuẩn do Cơ quan phòng chống doping thế giới WADA - World Anti-Doping Agency công nhận. Tại đây mẫu nước tiểu/máu chia làm hai phần, một phần để test doping, phần còn lại để làm đối chứng nếu có khiếu nại.

Trong danh sách mới nhất tôi đọc được, tính tới ngày 25/11/2022, ở khu vực Đông Nam Á hiện tại có mỗi Thái Lan là có phòng thí nghiệm đạt chuẩn trong danh sách của WADA.

Tính tới ngày 25/11/2022, ở khu vực Đông Nam Á hiện tại có mỗi Thái Lan là có phòng thí nghiệm đạt chuẩn.

Nguồn: https://www.wada-ama.org/sites/default/files/2022-01/2020_anti-doping_testing_figures_en.pdf

Theo quy định của IPF, đối tượng kiểm tra doping là thành viên của IPF. Nếu bạn đăng ký thi và đóng lệ phí liên đoàn cho VPF - Liên đoàn trực thuộc IPF, thì bạn sẽ là đối tượng cần phải kiểm tra doping. Việc kiểm tra doping diễn ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, kể cả trong và ngoài thời gian diễn ra giải đấu.

https://www.asia-powerlifting.com/anti-doping/testing

Nguồn: https://www.asia-powerlifting.com/anti-doping/testing

Dưới đây là báo cáo danh sách các VĐV và chất cấm được phát hiện khi kiểm tra doping vào năm 2021.

https://www.asia-powerlifting.com/fileadmin/ipf/data/anti-doping/reports/2021-IPF-Anti-Doping_Report.pdf

Nguồn: https://www.asia-powerlifting.com/fileadmin/ipf/data/anti-doping/reports/2021-IPF-Anti-Doping_Report.pdf

Việc không rõ ràng trong luật thi đấu của VPF khiến tôi cảm thấy vô cùng khó hiểu và có chút bất bình. Nếu năm sau giải còn tiếp tục tổ chức, hi vọng BTC sẽ làm mọi thứ minh bạch và rõ ràng hơn.

Lời kết

Vậy là mùa giải VPF 2022 đã qua với nhiều niềm vui và bài tâm dự dài dòng này cuối cùng cũng đã tới hồi kết. Chúng ta sẽ gặp lại nhau vào mùa giải sau với Một mùa giải chuyên nghiệp hơnMột tinh thần thể thao cao thượng hơnMột thành tích ấn tượng hơn.

Cảm ơn tất cả các bạn. Tạm biệt và Hẹn gặp lại!

Built with Hugo
Theme Stack designed by Jimmy