Keith Ferrazzi, tác giả cuốn Đừng bao giờ đi ăn một mình có đưa ra một quan điểm như sau.
Người ta nhìn bạn bằng vẻ bề ngoài nhiều hơn.
Dưới đây là những suy nghĩ của tôi về vẻ bề ngoài.
Vẻ bề ngoài là những thứ gây ấn tượng với người khác khi họ gặp bạn, không chỉ có hình thức mà còn cả cách ăn nói và ngôn ngữ cơ thể. Bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” trong nhiều năm khiến tôi trở nên xuề xòa trong hình thức. Điều này cũng lý giải lý do tôi được gán khá nhiều “cái mác” hồi còn đi học như “Mặt mụn”, “Gầy”, “Giản dị”, “Đàn ông”, … Vì không biết điều này nên tôi đã sống rất nhiều năm tự ti về vẻ bề ngoài của mình.
Trong một video, Jordan Petterson kể một câu chuyện bác đã bỏ tiền ra mua một bộ âu phục (suit) mắc nhất từ trước tới giờ và quyết định này khiến bác cảm thấy băn khoăn. Rồi bác nói rằng nó xứng đáng vì hôm đấy bác đã đứng nói trên một sân khấu quan trọng và việc ăn mặc “tử tế” là một khoản “đầu tư” xứng đáng. Câu nói đó đã thay đổi tôi. Tôi dọn đi một nửa tủ quần áo và thay vào đó những bộ đồ tử tế, ít nếp nhăn và chỉnh chu hơn. Nhất định mình phải thật gọn gàng và chỉnh chu.
Chăm chút vẻ bề ngoài không có nghĩa là bạn phải trang điểm hay ăn mặc giống người nổi tiếng. Khi tìm hiểu về ngành công nghiệp làm đẹp thì tôi giật mình nhận thấy nếu cứ chạy theo chuẩn mực cái đẹp và mua đồ theo hứng thì tài khoản của tôi không sớm thì muộn cũng sẽ bốc hơi sạch. Tiền dành cho chăm sóc da hàng tháng của tôi là tầm 700k và 15 phút mỗi ngày cho việc apply 3-5 lọ mỹ phẩm lên mặt. Chí phí và thời gian sẽ đội lên tối thiểu 3 lần nếu tôi trang điểm vì phải thay đổi cả 1 chu trình dưỡng da.
Tại sao người ta kỳ vọng nhiều vào làn da đến thế? Khái niệm về một là da KHÔNG TỲ VẾT là hão huyền, dù nó thực sự khiến người ta bị mê hoặc. Ý tôi là một vài cái mụn và lỗ chân lông to hay tàn nhang thì ảnh hưởng quái gì chứ? Dù có vẽ lên mặt kiểu gì thì tôi vẫn thấy mặt mình như thế, vẫn V-line, mắt to, môi nhỏ dễ thương. Không một màu son nào tôi thực sự ưng ý giữa cả chục thỏi son tôi từng thử. Chưa kể quá nhiều lớp trang điểm trên da khiến da tôi trở nên yếu hơn và phải chi nhiều tiền hơn vào liệu trình ở thẩm mỹ viện. Đầu tư vào việc học khiến lương tăng, mối quan hệ mở rộng, còn đầu tư vào “sắc đẹp” thì người yêu chưa thấy, chỉ thấy tiền bay.
Tôi rất thích một câu của dịch giả Trịnh Lữ trong buổi đối thoại với Vietcetera rằng “Trong bất kỳ tình huống nào mình cũng có lựa chọn”. Tôi nghĩ “trang điểm” hay không và mức độ tùy thuộc vào mỗi người. Bạn có thể đổ thừa rằng công việc buộc bạn phải như thế. Tôi chỉ nghĩ là bạn luôn có nhiều hơn một lựa chọn.