Featured image of post Làm sao để quyết đoán?

Làm sao để quyết đoán?

Làm sao để quyết đoán?

Tôi từng luôn thiếu tự tin và thiếu quyết đoán, lại có quá nhiều cảm xúc mạnh mẽ. Tôi dành rất nhiều thời gian để thích nghi với việc làm chủ sức mạnh ấy. Phần lớn kiến thức khoa học giúp tôi giải thích được tại sao tôi lại hành động như vậy. Nhưng những lời khuyên họ đưa ra cần nhiều thời gian để “tiêu hóa”.

Việc này giống như bạn bị đau bụng đi viện khám. Bác sỹ giải thích cho bạn cơ chế đau bụng của bạn với hàng tá khái niệm chuyên ngành khiến não bạn muốn nổ tung ra thay vì kê cho bạn đơn thuốc về nhà uống. Giờ thì bạn không những đau bụng mà còn đau cả đầu nữa.

Tôi không hề nói rằng việc đọc sách là hoàn toàn vô dụng. Về dài hạn, chúng RẤT CÓ ÍCH. Tuy nhiên, việc cố gắng hiểu cơ chế bệnh tật trong lúc bạn bị bệnh là điều RẤT DỞ. Bạn cần phải khỏi bệnh đã rồi sau đấy mới có đủ sức mà tiêu hóa kiến thức để không mắc lại bệnh.

Nếu có cỗ máy thời gian thì đây là những điều tôi muốn gửi cho mình. Hi vọng là chúng có ích với bạn.

Thử nghiêng về một phía

Tôi nghĩ cách này là bước ngoặt giúp tôi trở nên tự tin hơn trong việc ra quyết định. Đây là một cách có hơi chút cực đoan vì sự mất cân bằng của nó và nó có thể khiến bạn “choáng” một chút. Và tôi cũng phải nói trước là có thể nó sẽ không vui tí nào.

Nguyên tắc của nó là hãy nói với hầu hết mọi thứ cho tới khi bạn không thể nói được nữa, rồi sau đó nói KHÔNG với hầu hết mọi thứ cho tới khi bạn không thể nói KHÔNG được nữa.

Say Yes to everything until you can’t say Yes anymore, then say No to everything until you can’t say No anymore

Từ đó, bạn sẽ tìm được điểm cân bằng cho chính mình, khi nào nên nói và khi nào nên nói KHÔNG.

Viết ra những gì bạn nghĩ

Khi tôi suy nghĩ, những ý tưởng đến trong đầu tôi có thể rất lộn xộn, và nhiều khi nó chỉ là những hình ảnh hoặc từ ngữ ngẫu nhiên. Điều này khiến tôi khó khăn trong việc ra quyết định.

Viết những suy nghĩ của mình sẽ khiến tôi có cái nhìn rõ ràng hơn về những điều tôi thật sự muốn làm. Khi viết, tôi đang dùng ngôn ngữ để mô tả lại suy nghĩ của mình. Những thứ mông lung trong đầu tôi trở nên rõ ràng hơn.

Cách này đặc biệt hữu ích khi tôi gặp cảm xúc mạnh. Ví dụ, giận dữ, thất vọng, … Ban đầu, những suy nghĩ bay với tốc độ phương tiện giao thông trên đường cao tốc. Khi tôi cố gắng nắm bắt chúng thì giống như việc lao mình ra chặn ô tô. Chắc bạn cũng đoán được kết quả như nào ở trường hợp này. 99.9% là thất bại. Tôi chìm vào hố đen suy nghĩ và chả thể tập trung vào bất kỳ công việc gì.

Đầu tiên là tôi phải nhận biết được cái sự BẤT ỔN này rồi sau đó, tôi sẽ viết ra bất kỳ từ nào tôi có thể tóm được từ bộ não lộn xộn của mình. Tôi dùng Notion, có khi tiện thì dùng giấy bút. Dưới đây là một ví dụ về những gì tôi viết. Rất lộn xộn.

Tim tôi đập hơi nhanh, có vẻ cái phòng này hơi nóng. Chắc điều hòa hỏng. Con bug này thật to. Tôi với đứa bạn gọi cho nhau. Tôi chưa kịp chúc mừng năm mới mà bạn ấy đã phủ đầu bằng một tràng tiêu cực về cuộc sống.

Tôi đặt tên cho những bài kiểu này là Suy nghĩ trên mây. Càng viết ra nhiều và kỹ thì tôi nhạn thấy là số lần tôi viết ít dần. Từ một tuần mấy lần xuống còn vài tháng một lần.

Bên cạnh đó, những ý tưởng trong đầu tôi sẽ được ghi vào một chỗ thay vì để bộ não cố gắng nhớ chúng. Nỗ lực nhớ quá nhiều thông tin sẽ khiến não bị quá tải. Tôi thì liên tưởng ngay tới máy tính tràn RAM.

Kết luận

Tôi nghĩ những bài viết 10 cách, 20 cách, thậm chí là 100 cách giúp bạn quyết đoán hơn đều viết những thứ hết sức TÀO LAO, chủ yếu để câu view. Bạn nên là người tự tìm ra cách giải quyết vấn đề cho mình bằng việc ĐI VÀO SÂU BÊN TRONG BẢN THÂN.

Tự đặt ra nhiều câu hỏi cho bản thân mình. Trong quá trình lần lượt trả lời từng câu hỏi thì bạn sẽ tìm được câu trả lời cho vấn đề của mình.

Đừng tin vào lời khuyên của bất kỳ ai nếu bạn thử làm mà nó không hiệu quả.

Chúc bạn may mắn!

Licensed under CC BY-NC-SA 4.0
Built with Hugo
Theme Stack designed by Jimmy