Dạo gần đây tôi tham gia vào một nhóm đọc sách. Cảm giác lúc đầu là rất vui vì mong chờ gặp được những người bạn ham học hỏi và thích tìm tòi cái mới. Theo công thức Happiness = Reality - Expectation, sau vài buổi tham gia thì Happiness của tôi về mức âm. Chắc là do Expectation và mọi người hay chia sẻ lúc 11 giờ đêm - cái giờ tôi đi ngủ.
Tôi nhận thấy việc đọc đối với phần lớn mọi người đều là thứ gì đó xa vời và khó khăn. Trong khi việc đó đối với tôi đơn giản như ăn vậy. Để lý giải điều này, tôi đã cố nhớ lại chuyện trong quá khứ để tìm hiểu điều gì đã khiến tôi từ một đứa không thích đọc trở thành con người thích đọc của hiện tại.
Sau đây là một vài lý do của tôi. Hi vọng chúng sẽ giúp ích cho bạn.
Đọc để giải quyết vấn đề
Tôi nghĩ mình đã đọc vô định theo kiểu “trưởng giả học làm sang” trong rất nhiều năm trời cho tới ngày tôi nảy ra cái ý tưởng đọc sách để giải quyết vấn đề.
Lý do là tôi quá bận, quá mệt với việc bơi giữa một đại dương sách mà cuốn nào cũng được tung hô là best-seller. Chả biết đọc những cuốn KINH ĐIỂN đó có khiến mình thông minh lên không, tôi chỉ biết là tôi đã thấy rất KINH KHỦNG.
Tôi bắt đầu nhìn vào quỹ thời gian có hạn của mình và thấy việc trì trệ trong công việc là do mình đã tìm hiểu quá nhiều thứ mà không áp dụng được vào công việc và cuộc sống.
Ví dụ, đọc một cuốn sách nghiên cứu về lịch sử loài người sẽ giúp ích cho tôi nếu tôi là nhà khảo cổ học nhưng lại chẳng đem lại nhiều ích lợi cho một kỹ sư công nghệ.
Làm sao tôi có thể bình thản đọc sách khi tôi đang gặp một con bug to siêu to khổng lồ?
Làm sao tôi có thể bình thản đọc sách khi mà thu nhập của tôi không đủ cho tôi một cuộc sống thoải mái?
Vượt ra khỏi vòng tròn thoải mái
Khi đọc cùng một thể loại sách, tôi rất dễ bị bias và ngộ nhận về thế giới. Thể loại sách yêu thích của tôi là truyện thiếu nhi, có chút lãng mạn, bay bổng như Hoàng tử bé và Khu vườn bí mật. Tôi nghĩ những cuốn sách này rất thích hợp để nuôi dưỡng tình yêu thương trong mỗi con người.
Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ có mỗi màu hồng. Nó có cả thiện và ác. Thậm chí, nhiều khi thiện ác lẫn lội. Và nếu chỉ đọc những cuốn sách êm đềm kia, tôi nghĩ mình sẽ chả bao giờ có đủ linh hoạt để ứng phó với sự phức tạp của cuộc sống hiện đại.
Việc lao mình vào đọc những cuốn sách mô tả hiện thực khắc nghiệt, nơi cái xấu ở khắp mọi nơi như Hẹn gặp lại ở trên kia hay Tội ác và trừng phạt sẽ khiến tôi có một cái nhìn khác về cuộc sống.
Lúc đầu, tôi thấy rất khổ sở, khó chịu và chỉ muốn vứt sách đi vì cuộc sống của những nhân vật trong đấy vượt quá sức chịu đựng của mình. Nhưng càng về sau, tôi thấy mình bớt mộng mơ đi và thông cảm cho những ai đã từng làm tổn thương tôi.
Đọc từ dễ lên khó
Một trong những quyết định ngu ngốc nhất của tôi khi tìm hiểu một vấn đề, tôi hay mua những cuốn sách phức tạp về đọc thay vì đọc những cuốn dễ hiểu hơn.
Nếu bạn không biết gì về dinh dưỡng, lao đầu vào đọc cuốn The China Study của Tiến sỹ Colin Campbell và Thomas Campbell sẽ khiến bạn dễ nản chí và bỏ cuộc chỉ sau vài chương sách. Có ba lý do.
Thứ nhất, cuốn sách này dài hơn 400 trang.
Thứ hai, cuốn này có rất nhiều từ ngữ chuyên ngành, dù bạn có đọc bản tiếng việt thì bạn cũng cần phải tra thêm Google để hiểu.
Thứ ba, đây là sách kỹ thuật, không có cảm xúc ở đây, nếu chỉ đọc cho vui không mục đích hay muốn luyện tiếng anh thì bạn sẽ thấy thất vọng vô cùng.
Tôi nhớ mình đọc cuốn này vì muốn tìm cho ra một chế độ ăn khiến tôi hết viêm lỗ chân lông. Tôi đã đọc bản tiếng anh cuốn này trong vòng 6 tháng (vì lúc đó chưa hề có bản tiếng việt). Tôi phải tra Google tới 40% số từ trong một trang và đọc xong cuốn này thì reading của tôi lên một tầm cao mới. =))
Tôi không nghĩ bây giờ mình không đủ rảnh để dành vài tiếng một ngày trong vài tháng để đọc một cuốn sách khó nhằn như thế. Nếu có cỗ máy thời gian, tôi sẽ khuyên mình đọc một cuốn dễ hơn là Ruột ơi là ruột của Giulia Enders. Bạn có thể đọc thêm review cuốn này của tôi ở đây.
Đọc bằng máy đọc sách
Tôi nghĩ mua Kindle là một quyết định sáng suốt. Thay vì ôm một cuốn sách cỡ 400 trang, nặng chịch, cầm mỏi cả tay và hay gặp tai nạn sách rơi vào mặt mỗi khi nằm đọc sách thì giờ tôi đã có một em Kindle bé xinh, nhỏ gọn, muốn chứa bao nhiêu sách cũng được.
Một ưu điểm khác của Kindle là đọc sách buổi tối không cần phải bật đèn quá sáng như đọc sách giấy và nhìn màn hình cũng không thấy mỏi mắt. Tôi đã đọc sách bằng Kindle như một liệu pháp vượt qua chứng khó ngủ trong giai đoạn burnout.
Disclamer: Tôi không hề quảng cáo cho Kindle. Bạn có thể mua máy đọc sách của bất kỳ hãng nào miễn là máy nhẹ và trải nghiệm đọc của bạn tốt.
Audiobook/Podcast
Tôi nghĩ mình có khá nhiều thời gian chết trong ngày. Tính sơ ra thì tôi cũng phải dành cỡ 2-2.5 tiếng một ngày cho việc nhà, vệ sinh cá nhân và nấu ăn. Đó đều là những công việc siêu nhàm chán. Não tôi cứ chạy tung tăng khắp nơi, từ công ty cho tới con bug siêu bự, rồi lại anh chàng dễ thương nào đó.
Để thấy mình sống có ích hơn và để não thôi không nghĩ lung tung thì tôi cắm headphone vào và nghe audiobook hoặc podcast. Những lúc giải trí như này thì tôi hay nghe những thứ nhẹ nhàng thôi. Ví dụ, Radio Kien Tran, podcast của anh Lex Fridman hay của bác Huberman.
Tổng kết
Ngoài những cách kể trên thì kỹ thuật đọc tốt sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Tôi đã đọc cuốn Đọc Sách Siêu Tốc và thấy rất hữu ích. Trên thị trường có khá nhiều cuốn có nội dung tương tự nhau, bạn có thể tìm đọc một cuốn bất kỳ.