Ngày cuối cùng trong năm kết thúc bằng một trận đau đầu bắt đầu từ lúc nâng set tạ cuối của bài đầu tiên và cơn đau kéo dài tới tận tối khiến tôi gần như không thể thư giãn và tập trung nổi để nghĩ về kế hoạch cho năm tới. Trong lúc cố gắng viết bài cuối cùng của năm 2022, tôi đang thấy tủi thân và cô đơn. Tuy vậy, tôi vẫn rất bình tĩnh vì tôi biết rằng cơn mưa nào rồi cũng sẽ tạnh thôi.
Một năm cũ “lại” sắp qua và năm mới “lại” tới. Vẫn là những bản nhạc Tết mang cùng thông điệp “về nhà đi”. Vẫn là những món ăn nhà nào cũng làm. Vẫn là những câu năm nào mọi người cũng hỏi nhau. “Bao giờ lấy chồng?” “Lương tháng bao nhiêu rồi?” Chả hiểu sao Tết tây, Tết ta năm nào tôi cũng thấy “chán đời”. Không biết là do “FA lâu năm” hay là do “bình mới rượu cũ” nữa. Chỉ biết là ở khoảnh khắc giao thừa này, tôi muốn viết thứ gì đó động viên bản thân.
Nội chiến
Những giấc mơ của tôi đều là những cuộc chiến “đẫm máu” giữa tôi và một thế lực huyền bí nào đó. Dù tôi không nhớ chính xác từng chi tiết của giấc mơ, tôi phát hiện ra những giấc mơ của tôi chỉ xuất hiện ở giai đoạn tôi stress và đều mang cùng một thông điệp về sự đấu tranh nội tâm một mất một còn, hết sức khốc liệt.
Persona là từ mà tôi rất thích dùng để ám chỉ hình ảnh công khai về tính cách hoặc vai trò xã hội của một người, gọi cho dễ hình dung là “mặt nạ”. Chúng ta đều mang trong mình nhiều thứ “mặt nạ” khác nhau. Ở nơi công sở, bạn phải đeo mặt nạ “nhân viên ngoan”, “đồng đội ngoan”, good team player. Ở nhà bạn phải đóng vai “con ngoan”, “người bạn đời đúng chuẩn” hay “phụ huynh mẫu mực”.
Persona khiến chúng ta dễ hoà nhập vào cộng đồng và khiến cuộc sống dễ chịu hơn. Ai chả thích được làm người bạn của muôn người. Sống khéo léo không đồng nghĩa với sống ba phải, lươn lẹo. Về lâu dài, việc lạm dụng persona và sống không đúng với bản chất của mình có thể dẫn tới sự mâu thuẫn về tính cách. Lâu dần, gây ra sai lệch về hành vi, mất kiểm soát và có thể là “tâm thần”.
Trở lại câu chuyện về những giấc mơ, khi kết nối những mảng ghép trong cuộc sống mà những mẩu trí nhớ còn sót lại sau mỗi giấc mơ, tôi bắt đầu hiểu những thông điệp mà tiềm thức muốn nhắn nhủ. Hãy quyết đoán (không bao giờ quay đầu trong mỗi trận đánh, chiến đấu hết mình) và khéo léo hơn để tránh rắc rối (thể hiện ở việc tìm cách chiến đấu thông minh hơn).
Bi hoan hỉ
Tôi tự thấy mình là một đứa rất chán đời, không có hứng thú kết bạn với ai và chắc cũng chả ai muốn kết bạn với tôi cả. Phần lớn thời gian tôi ở một mình, ngồi học gì đó, đọc sách hoặc chơi với mấy bạn pet. Đôi lúc, tôi thấy không hề thoải mái và thậm chí là hoảng sợ khi ở nơi đông người. May mắn là sau khi biết tới xu hướng này của người hướng nội trong cuốn Quiet của Susan Cain thì tôi đã không còn than phiền về “sự thu lu” của chính mình. Thay vào đó, tôi học cách ôm ấp bản thân mình nhiều hơn.
Tôi từng vô tình đọc một câu dễ thương như thế này “Cô đơn đầu tiên và cuối cùng”. Những hoạt động “giải trí” của tôi đa phần được xếp vào dạng “học tập, làm việc” của người khác nên phần lớn tôi không dễ kết bạn. Tôi thích bàn luận về những thứ “có não” một tí mới chịu được. Kiến thức có thể nói là một dạng rào cản mà một khi bạn biết càng nhiều thì số người am hiểu thứ bạn biết càng ít. Điều đó đồng nghĩa là ít bạn hơn, cô đơn nhiều hơn. Và nếu may mắn gặp người cùng sở thích với mình thì sẽ chơi được vui hơn và bền hơn.
Tiểu hành tinh va chạm
Hồi bé tôi rất thích cách ví von đời người như một chuyến tàu dài, người lên kẻ xuống. Có những người ở lại với chúng ta từ bến đầu tới bến cuối, có người chỉ ở lại vài bến rồi lại xuống tàu đi một hướng khác. Tôi là một đứa trẻ nhạy cảm. Vì hầu như cuộc chia tay nào với tôi cũng thấy lâm li bi đát nên tôi cứ cố níu bạn mình lại. Thế là, tôi lại thành kẻ vô duyên. Mãi về sau, khi đọc về phong cách tối giản thì tôi mới học cách buông bỏ.
Người ta lớn lên học cách né nỗi đau. Một trong những chiến lược được nhiều người chọn là giữ cho mối quan hệ “vừa đủ”, không để ai chạm vào bên trong mình. Tôi cũng không ngoại lệ. Chẳng biết họ có buồn không nhưng tôi thì có một dạo buồn và suy nghĩ nhiều lắm.
Khi hai tiểu hành tinh va chạm thì gây ra những hệ quả khó lường, tuỳ vào vận tốc và kích thước của chúng. Một ví dụ điển hình là vụ việc Tiểu hành tinh 2022 EB5 rực cháy khi tiến vào bầu khí quyển của Trái Đất, trước khi lao xuống một vùng biển ở phía Bắc Iceland.
Là một con người có xu hướng quy đổi mọi thứ thành “con số” cho dễ “tính”, sau khi cân đo một hồi thì giữa việc chọn nỗi buồn khi tiểu hành tinh va chạm mình và nỗi buồn của sự “an toàn” thì về lâu dài, tôi ghét sự “an toàn”.
Dự báo thời tiết
Đầu năm tôi có truyền thống là viết một cái Resolution để cuối năm nhìn lại xem mình đang ở đâu và làm được những gì. Trong số 9 mục tôi viết ra năm 2022 thì chỉ có duy nhất mục số 3 - Đọc hết 25 cuốn (Finish reading list) và mục số 6 (do thay đổi sự nghiệp) là chưa hoàn thành. Có thể nói tôi hài lòng với các những gì mình đạt được.
Dưới đây là mục tiêu cho năm 2023:
- Tìm hiểu sâu hơn về Khoa học máy tính, cụ thể là Kiến trúc máy tính
- Thử thách bản thân về thể chất và tinh thần
- Cho và nhận yêu thương
- Làm việc có ích và giúp đỡ mọi người
- Ráng vui vẻ và hạn chế nghiêm túc quá
My resolutions for 2023:
- Dive deep into Computer Science (Computer Architecture)
- Challenge me physically & mentally
- Give love and take love
- Try to be useful + help others
- Have fun + make fun of myself