Featured image of post Burnout - Phần 1

Burnout - Phần 1

Burnout - Phần 1

Tôi chỉ có thể mô tả bằng hai từ là KIỆT SỨC. Tôi cũng không tài nào lý giải được chuyện gì đã xảy ra. Tôi đã thực sự HOẢNG LOẠN. Tôi đang bị gì thế này?

Đấy là trải nghiệm đầu tiên của tôi với burnout. Để thoát ra khỏi cái trạng thái điên rồ đấy thì tôi quyết định sẽ đọc hết tất cả những gì tôi có thể tìm thấy về burnout trên Google.

Burnout là gì?

Để không nhầm lẫn giữa mệt khi bạn căng thẳng (stress), burnout và trầm cảm thì bạn cần phải hiểu người ta phân loại chúng như nào.

Người đầu tiên dùng thuật ngữ Burnout là một nhà tâm lý học người Mỹ - Herbert Freudenberger.

Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa Burnout là một hiện tượng căng thẳng kéo dài xảy ra ở nơi làm việc, được đặc trưng bởi ba yếu tố:

  • Cảm giác cạn kiệt năng lượng hoặc kiệt sức
  • Cảm giác tiêu cực hoặc hoài nghi lên quan đến công việc
  • Giảm hiệu quả công việc

Nguồn: https://www.who.int/news/item/28-05-2019-burn-out-an-occupational-phenomenon-international-classification-of-diseases

Nói một cách dễ hiểu nhất, burnout là hệ quả của quá trình căng thẳng (stress) kéo dài. Trầm cảm là quá trình khi burnout kéo dài. Một mức độ trầm trọng hơn. Tôi đã từng xem những lá thư của người trầm cảm viết. Họ tuyệt vọng, chỉ muốn tìm tới cái chết và có người còn làm tổn thương bản thân bằng nhiều cách khác nhau như cứa da, làm bản thân bị chảy máu …

Dấu hiệu của burnout

Nếu bạn có điều kiện, bạn nên đi khám khi thấy có vấn đề. Còn nếu bạn còn nhiều mối lo khác phải xử lý, thì cái thang đo này có thể giúp bạn cân nhắc xem có phải đi khám không và điều chỉnh dần lối sống.

Sau vụ tôi bị bác sỹ bên Thu Cúc cơ sở Trần Duy Hưng chẩn đoán sai, suýt nữa bị bế lên bàn phẫu thuật dù không có bệnh gì thì tôi đã tập cho mình thói quen luôn phải kiểm chứng lại những gì bác sỹ nói.

Dưới đây là 12 trạng thái của burnout theo mô tả của Herbert Freudenberger đi từ nhẹ tới nặng. Tôi nhận ra quá trình burnout của tôi bắt đầu trước cả khi cơ thể tôi thấy mệt mỏi.

  1. Tham vọng nhiều hơn là dấu hiệu đầu tiên. “Mình phải trở thành người giỏi nhất ở đây. Mình phải cố gắng nỗ hết mình …”
  2. Làm việc chăm chỉ hơn. Nghe vô lý nhỉ? “Đã 12h giờ đêm. Cố lên một tí nữa thôi.” Và 3 tiếng sau, “Ôi may quá xong rồi”. Và hôm sau thì bạn có một ngày lờ đờ mệt mỏi và phải cứu vớt tình thế bằng cafein. Bạn có bao giờ ở trong tình trạng đó không?
  3. Thờ ơ với nhu cầu của bản thân. Tôi thấy rất nhiều anh em trong ngành kể câu chuyện về những ngày tháng “bận” tới mức ăn mỳ triền miên, “bận” tới mức mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ, xương khớp có vấn đề … Những thanh niên chưa tới 30 mang trong mình đủ thứ bệnh của bậc trung niên và niềm tự hào rằng tôi đang cống hiến cho tương lai của chính mình và gia đình.
  4. Những mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện. Bạn có thể thấy mất bình tĩnh hơn, hay hoảng sợ hơn và bồn chồn mà không rõ lý do.
  5. Bỏ quên các giá trị khác trong cuộc sống. Gia đình, bạn bè, sở thích cá nhân sẽ bị gạt sang một bên và công việc trở thành thứ quan trọng duy nhất trong đời bạn.
  6. Tìm cách đổ lỗi cho những vấn đề của bản thân. Do những người xung quanh, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp mà không phải do chính mình.
  7. Thu hẹp các mối quan hệ xã hội. Bạn sẽ có xu hướng không thích tiếp xúc với mọi người, tim tới chất kích thích như đồ ngọt, rượu bia để giải tỏa.
  8. Thay đổi hành vi. Những người xung quanh có thể dễ dàng nhận ra sự thay đổi của bạn.
  9. Cảm thấy mình vô giá trị, mọi thứ vô nghĩa.
  10. Cảm thấy trống rỗng. Bạn thấy mệt mỏi, chán nản và có xu hướng vượt qua điều này bằng các hoạt động kích thích như ăn quá nhiều, quan hệ tình dục, rượu hoặc ma túy.
  11. Phiền muộn. Bạn cảm thấy lạc lối, kiệt sức và cuộc sống không không lối thoát.
  12. Cháy sạch (Burnout) là giai đoạn cuối cùng. Suy sụp toàn bộ về tinh thần và thể chất. Có thể dẫn tới các bệnh lý như trầm cảm, rối loạn lo âu …

Nguồn: https://www.inc.com/jessica-stillman/the-12-stages-of-burnout-according-to-psychologist.html

Licensed under CC BY-NC-SA 4.0
Built with Hugo
Theme Stack designed by Jimmy