Đây là những ý hay mà tôi ghi lại từ một show của kênh VIETSUCCESS với nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung. Các bạn muốn nghe toàn bộ thì vào link này.
Cách mạng thực học
Sự học bắt đầu bằng niềm tin về cuộc sống. Một trong những nhà khai sáng vĩ đại người Nhật Fukuzawa Yukichi có viết trong cuốn Khuyến học rằng
“Trời không tạo ra người đứng trên người. Mọi người sinh ra đều bình đẳng về quyền lợi. Nếu có khác biệt là do học vấn.”
Câu này mang trong mình hai đức tin quan trọng. Đức tin thứ nhất là mình có thể thay đổi được số phận. Nếu chúng ta tin vào điều này thì chúng ta sẽ có động cơ học để nâng cấp bản thân, trở thành con người tốt hơn. Đức tin thứ hai là khi bạn đã tin tưởng rằng mình có thể thay đổi bản thân thì cách bắt đầu là từ “thực học”.
Thực học là gì?
Một mô hình của thực học là sự học hướng tới phát triển một con người tổng thể. Một con người tổng thế cần phát triển hài hòa về bốn khía cạnh là Thân - Tâm - Trí - Thần (Body - Heart - Mind - Spirit).
Thân (Body) là chỉ con người thể chất. Bạn có tập thể dục đều đặn không? Bạn có ăn uống đủ “chất” không? Bạn có ngủ đủ và ngủ ngon không?
Tâm (Heart) là chỉ sự yêu thương và được yêu thương (To love and to be love). Lòng trắc ẩn là thứ không phải tự nhiên sinh ra. Điều gì khiến một đứa nhỏ nhường bữa ăn sáng của mình cho một cụ gìa ăn xin mà nó gặp trên đường tới trường? Điều gì khiến người ta sẵn sàng cưu mang một con mèo hoang trên đường, giúp nó vượt qua cơn bạo bệnh dù không được một ai tán dương?
Trí (Mind) là chỉ sự học kiến thức. Bạn có luôn nâng cấp bộ não của mình không? Bạn có đang học với niềm say mê hay học để trả bài, học để có một công việc? Bạn có dùng những kiến thức mình học vào cuộc sống không?
Thần (Spirit) là chỉ đời sống tinh thần của bản thân mình. Bạn có đang sống với đúng các giá trị của mình không? Bạn có phải đánh đổi con người của mình để đạt được sự thành công trong công việc không?
Học để làm gì?
Học để lấy bằng (Learn to get degrees): Tôi học để lấy bằng, có một công việc, không quan tâm tôi đã học cái gì.
Học để trở thành chuyên gia (Learn to be professional): Tôi học để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực, tôi biết nhiều kiến thức trong lĩnh vực của tôi.
Học để giải quyết vấn đề (Learn to be a problem solver): Tôi học để giải quyết vấn đề. Giá trị con người ở chỗ, anh ta giải quyết được vấn đề. Tôi sẵn sàng học bất kỳ lĩnh vực gì để giải quyết vấn đề của tôi.
Tại sao chúng ta học làng nhàng?
Thứ nhất, chúng ta được giáo dục bởi những người thầy làng nhàng
Có 3 cấp độ của người thầy.
- Cấp độ 1: Người thầy bình thường, truyền đạt lại những gì mình biết cho học trò.
- Cấp độ 2: Người thầy giỏi vừa truyền đạt những gì mình biết cho học trò và truyền cảm hứng cho học trò tự mình học hỏi.
- Cấp độ 3: Người thầy vĩ đại là người làm được công việc của người thầy giỏi trên một quy mô lớn hơn, thay vì chỉ vài học trò mà là cả một quốc gia, trên toàn thế giới.
Thứ hai, chúng ta thiếu niềm tin.
Thứ ba, chúng ta không được học theo cách của riêng mình.
Năm con đường đi đến sự khai sáng
Con đường 1: Sách
Đọc sách sáng thì mình sẽ sáng, nhưng không phải ai đọc sách cũng sáng.
Con đường 2: Thầy
Để tìm được thầy tốt, bản thân phải có khả năng phân bình định.
Chân lý thuộc về người có hiểu biết.
Con đường 3: Trải nghiệm
Chúng ta phải trả giá để học. Cái giá đó có thể là tiền bạc, mồ hôi, nước mắt … Thất bại cũng là người thầy vĩ đại.
Con đường 4: Nhân vật cổ kim đông tây
Chúng ta có thể học hỏi từ họ thông qua rất nhiều tài liệu, sách báo, nghiên cứu khoa học mà không cần phải gặp họ.
Con đường 5: Internet
Muốn biết mình là ai, hãy nhìn vào những trang websites mình vào hàng ngày.